Plugin SEO nào tốt nhất trong WordPress? Không biết vì lý do gì mà trong tuần này mình liên tục nhận được những câu hỏi như thế từ các độc giả tại blog, có lẽ là sau các đợt khuyến mãi hosting và domain, nhiều người đã đủ điều kiện tạo một blog chuyên nghiệp và bắt đầu chú trọng tới SEO nhiều hơn, cũng có thể là tầm quan trọng của SEO đã thật sự phổ biến rất rộng rãi (thật sự là rất rộng rãi từ lâu rồi). Thú thật, với các câu trả lời như thế mình không biết phải trả lời thế nào để thật sự chi tiết nhưng thật dễ hiểu vì có rất nhiều plugin SEO trong WordPress, mà plugin nào cũng có một vài tính năng quan trọng như nhau nên câu trả lời của mình luôn nghiêng về các plugin dễ sử dụng, nhiều tính năng hơn.
Nhưng đối với mình đó không phải là câu trả lời tuyệt đối và tối ưu nhất, mà chính bạn sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình về câu hỏi “bất hủ” plugin SEO nào tốt nhất. Bởi vì thật sự có một sự thật là các plugin SEO đều như nhau, nếu có hơn hay không thì chỉ có nhiều tính năng hơn mà thôi, và làm sao để SEO blog WordPress tốt nhất thì vấn đề đó nằm ở chính các bạn.
Plugin SEO có giúp blog tăng thứ hạng?
Nếu mình nói rằng plugin SEO trong WordPress có thể sẽ không giúp bạn cải thiện thứ hạng trang blog của mình thì mình nghĩ rằng có rất nhiều người nói rằng nếu nó không giúp blog tăng thứ hạng thì plugin này để làm gì, để trang trí à? Không, thật sự là các plugin SEO cho WordPress đều rất có ích mà nó có thể giúp bạn tăng thứ hạng theo một cách nào đó, nhưng nó có thể hoàn toàn vô dụng đối với bạn, bởi vì:
Kiến thức SEO cơ bản là nền tảng quyết định
Bạn có thể thấy, một điểm chung mà các plugin SEO blog WordPress hiện nay đó là đều hỗ trợ bạn SEO Onpage như tối ưu thẻ title
, meta description
, noindex
, nofollow
, sitemap
..v..v..Nhưng tất cả đều phải do bạn tác động lên từ các kiến thức SEO cơ bản thì nó mới thật sự có ích, ví dụ như nếu bạn không biết cách đặt một thẻ <title>
tối ưu thì khi cài các plugin SEO vào, bạn vẫn tiếp tục đăng bài như thường mà không tinh chỉnh thêm thắt gì cả, thì coi như bạn không nhận được bất cứ lợi ích gì khi cài plugin này vào cả.
Vì vậy, trước khi muốn tìm được một plugin SEO phù hợp với nhu cầu để tránh lãng phí các tính năng không cần thiết, hãy nắm rõ các nguyên tắc và kiến thức SEO cơ bản, mà nếu bạn đang sử dụng Thesis hay Genesis thì bạn có khi không cần dùng plugin SEO nào khác nữa.
Ngoài ra, có một số ít các plugin thật sự giúp ích cho bạn trong việc SEO Offpage như NextScript – Social Networks Auto-Poster thì may ra bạn chỉ cần cài đặt một lần và cấu hình cho nó thì nó sẽ giúp bạn SEO Offpage bằng cách tự động đăng bài lên các nền tảng blog khác như Blogspot, Tumblr, WordPress.com để nhằm xây dựng backlink, mà nói một cách khác thì đây là hành động “Farm Link”, có thể bị Google “trảm” bất cứ lúc nào.
Sử dụng các tính năng trong một plugin SEO như thế nào?
Như ở trên mình đã nói, các plugin SEO trong WordPress hiện nay từ miễn phí đến trả phí hầu như đều có các tính năng tương tự nhau mà điển hình là tính năng cho phép mình tự đặt thẻ <title>
, description, meta keyword theo ý thích. Trong phần này của bài viết, mình xin nói sơ qua về cách sử dụng các tính năng có trong một plugin SEO thông dụng để những bạn nào chưa biết có thể tham khảo và áp dụng một cách đúng đắn hơn.
Tùy chỉnh meta title
Nói về các tính năng trong một plugin SEO thì chức năng cho phép viết lại thẻ <title>
khi soạn bài viết là không thể thiếu vì nó rất quan trọng để góp phần đưa blog bạn lên thứ hạng cao nhất có thể. Trước tiên, bạn cần hiểu rằng chức năng tùy chỉnh title này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tiêu đề bài viết, tức là bạn có thể viết một title khác hoàn toàn so với tên bài để tối ưu tìm kiếm. Mình thường sử dụng tính năng này như một cách tối ưu hóa lại title để có thể đưa từ khóa quan trọng lên đằng trước và có thể thu hút click từ kết quả tìm kiếm. Mình lấy ví dụ như sau:
- Tiêu đề bài viết: Vài plugin SEO blog WordPress mà bạn không nên bỏ qua.
- Thẻ title: 5 plugin SEO blog WordPress tốt nhất năm 2012.
Bạn có thể thấy, 2 đoạn tiêu đề trên vẫn được xem là tiêu đề của bài viết, nhưng một cái là dành cho người đọc thật và một cái là dành cho việc nằm ở thứ hạng cao trên máy tìm kiếm. Bởi vì nếu bạn vào blog, nhìn thấy ngay tiêu đề bài viết như thế kia bạn sẽ ham muốn mà click vào ngay, nhưng nó không tối ưu ưu trên kết quả tìm kiếm vì nó hơi dài, kèm thêm một vài từ khóa có vẻ như ít ai cần dùng đến khi tìm kiếm. Lúc này mình sẽ tối ưu hóa nó trên kết quả tìm kiếm bằng cách thay thành “5 plugin SEO blog WordPress tốt nhất năm 2012”, bạn thấy rằng nó ngắn hơn và kèm theo một vài từ khóa phụ đi kèm mà người ta rất hay dùng như “tốt nhất”, “năm 2012”. Vì thế, chức năng viết lại thẻ <title> trong các plugin SEO WordPress thật sự có giá trị với mình trong lúc này.
Tùy chỉnh thẻ meta description
Đi cùng với tính năng tùy chỉnh <title> là tính năng tùy chỉnh tối ưu thẻ description. Đây là thẻ mà chúng ta hiểu rằng nó sẽ mô tả cho liên kết của bạn khi xuất hiện trên kết quả tìm kiếm và nó cũng được tính vào một trong những nguyên nhân để blog bạn đạt thứ hạng cao. Mặc định của WordPress là sẽ tự động lấy một đoạn đầu tiên của bài viết làm nội dung của thẻ description, điều này có vẻ không được tối ưu hóa lắm vì nhỡ như đoạn đầu tiên trong bài viết không có gì liên quan đến nội dung hay không chứa từ khóa chính thì sao? Vì vậy chúng ta sẽ sử dụng tính năng tùy chỉnh thẻ description này như một cách để ghi điểm trên kết quả tìm kiếm.
Cách đặt nội dung của thẻ này mình cũng đã đề cập ở bài viết Cách đặt từ khóa tối ưu để SEO Onpage
Open Graph
Mặc định khi bạn post link lên các trang mạng xã hội như Facebook, Google+ thì nó sẽ tự động lấy thẻ title làm tiêu đề, một phần nội dung làm dòng mô tả và 1 trong các hình ảnh có trong bài viết làm ảnh thumbnail. Những thông tin đó bạn vẫn có thể viết lại nhưng đôi khi chúng ta không phải lúc nào cũng có thể sửa hết được mà đặc biệt là nếu ai chia sẻ link của bạn lên mạng xã hội thì đa phần là họ để mặc định.
Vì lẽ đó, chúng ta sẽ dùng tính năng tùy chỉnh các thẻ Open Graph để tinh chỉnh nội dung mặc định của tiêu đề, nội dung mô tả và ảnh thumbnail mặc định khi chia sẻ link lên các mạng xã hội. Thường thì mình dùng chức năng này để câu traffic từ Facebook ^^. Tính năng này thì có lẽ là sử dụng plugin SEO Ultimate là tốt nhất.
Đó là 3 tính năng cơ bản mà các bạn sẽ thường thấy nhất ở các plugin hỗ trợ SEO miễn phí, tuy là mỗi plugin sẽ có thêm nhiều tính năng khác nữa nhưng tất cả cũng chỉ thật sự có ích khi bạn biết cách áp dụng nó một cách đúng đắn từ những kiến thức về SEO cơ bản bạn đã nắm được.
Lời kết
Đến đây, mình muốn thật sự khuyên mọi người rằng trước khi muốn tìm kiếm được một plugin SEO phù hợp với nhu cầu của mình để có thể sử dụng nó tốt nhất nhằm tăng hạng trên máy tìm kiếm thì hãy dành thời gian tìm hiểu các kiến thức SEO cơ bản (nếu bạn chưa có). Bởi vì không có plugin nào có thể giúp bạn đạt được thứ hạng cao sau khi cài đặt nó cả, đó là một nghịch lý rất rõ ràng. Hy vọng qua bài này, các bạn sẽ không phải mất thời gian đi tìm hỏi lựa chọn một plugin SEO tốt nhất nữa.
À nhân tiện đây mình cũng xin nhắc lại rằng, nếu các bạn muốn dễ dàng hơn trong việc chọn plugin SEO thì có thể tham khảo danh sách các plugin SEO miễn phí nên sử dụng dưới đây:
- Rank Math SEO – Plugin SEO tốt nhất hiện nay.
- WordPress SEO by Yoast.
- SEO Ultimate.
- All in One SEO.
- Greg’s High Performance SEO – Sử dụng ít tài nguyên, dùng cho host yếu.
- SEO Score Dashboard by SEO Visuals – Kiểm tra xem bài viết của bạn đã tối ưu hay chưa.
- SEO Data Transporter – Chuyển các dữ liệu giữa các plugin SEO và Framework Theme với nhau.