Hosting VPS Server

So sánh các control panel miễn phí dành cho VPS Linux

64

Khi sử dụng VPS, mà đặc biệt là VPS hệ điều hành Linux cho các nhu cầu chạy website thì có thể bạn sẽ cần cài đặt một số phần mềm vào trong máy chủ để website có thể hoạt động được. Với những người kỹ thuật có chuyên môn thì sẽ lựa chọn các VPS Script như Centminmod, LarVPS, WordOps để cài đặt nhanh môi trường chạy website trên VPS.

Tuy nhiên với những người dùng chưa thạo các thao tác kỹ thuật thì có thể sẽ cần đến các phần mềm bảng điều khiển (Control Panel) để cài đặt lên VPS và thao tác quản trị máy chủ của mình trên giao diện trực quan.

Với các giải pháp control panel trả phí như cPanel, DirectAdmin, Plesk thì đã quá hoàn hảo nhưng vấn đề chi phí là một trở ngại khá lớn. Tuy nhiên điều đáng mừng là chúng ta vẫn có nhiều lựa chọn sử dụng các control panel miễn phí cho nhu cầu quản lý website trên VPS đơn giản.

Vào tuần trước thì AZDIGI có đăng một bài so sánh nho nhỏ trên Facebook về các loại control panel miễn phí phổ biến nhất hiện nay, để người dùng dễ dàng lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho riêng mình.

Và trong bài viết này, AZDIGI sẽ chia sẻ chi tiết hơn về 3 loại control panel miễn phí tốt nhất hiện tại dành cho VPS hệ điều hành Linux thông qua việc đánh giá các ưu điểm và nhược điểm của từng loại. Tất cả các control panel trong bài viết này đều chỉ hoạt động trên hệ điều hành Linux và chạy website sử dụng ngôn ngữ PHP.

So sánh các control panel Linux miễn phí

aaPanel – 10/10 điểm

aaPanel là cái tên control panel miễn phí cho máy chủ Linux được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây bởi những ưu điểm tuyệt vời của nó.

Điều đầu tiên đó là aaPanel rất nhẹ, AZDIGI đã thử nghiệm trên nhiều VPS và cả máy chủ riêng thì đều ghi nhận aaPanel chỉ chiếm khoảng hơn 200MB RAM sau khi cài đặt hoàn tất và sử dụng CPU rất thấp. Sở dĩ aaPanel nhẹ như vậy vì nó được thiết kế theo dạng “plug-n-play”, nghĩa là khi cài đặt thì chúng ta chỉ cài giao diện và bộ nguồn của nó. Còn sau đó bạn muốn sử dụng các ứng dụng nào thì cài đặt thêm vào.

Hiện nay aaPanel hỗ trợ rất tốt 2 webserver phổ biến nhất là NGINX và Apache, và hỗ trợ PHP từ phiên bản rất thấp như PHP 5.6 đến phiên bản mới nhất hiện tại là PHP 8.0. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ cả OpenLiteSpeed và tự cấu hình nhưng do tác giả viết bài này chưa sử dụng OpenLiteSpeed trên aaPanel nên chưa biết hiệu năng như thế nào.

Tính năng tuyệt vời thứ hai mà aaPanel cung cấp đó là một thư viện các phần mềm được tích hợp sẵn, chỉ cần bạn muốn sử dụng thì ấn nút cài đặt là có thể sử dụng ngay. Ví dụ bạn có thể cài đặt thêm tính năng Google Drive Backup để tự động sao lưu dữ liệu website trên VPS và lưu trên tài khoản Google Drive của bạn.

Tuy nhiên, nhược điểm của aaPanel đó là cấu hình thiết lập sẵn cho dịch vụ MySQL/MariaDB có lẽ hơi cao nên tình trạng MySQL tự động tắt mà không thể khởi động lại được xảy ra khá thường xuyên. Để khắc phục tình trạng này thì bạn cần vào khu vực thiết lập MariaDB/MySQL, chọn Optimization và thiết lập cấu hình xuống thấp hơn để tránh trường hợp bị treo dịch vụ này. Ngoài ra, aaPanel cũng chưa hỗ trợ tính năng phân quyền người dùng mà chỉ có thể truy cập vào bảng điều khiển bởi 1 tài khoản duy nhất

Cũng nói thêm rằng, aaPanel là một sản phẩm quốc tế của BAOTA Panel, đây là một control panel khá phổ biến và mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc hiện nay.

Nhìn chung, aaPanel phù hợp với nhu cầu cần control panel nhỏ gọn dành cho các VPS cấu hình thấp, ít lỗi vặt nhưng lại mạnh mẽ sử dụng cho cá nhân.

CyberPanel – 8/10 điểm

CyberPanel là một cái tên khá “hot” trước khi aaPanel phổ biến như hiện nay bởi các tính năng mạnh mẽ và chuyên hỗ trợ OpenLiteSpeed (kể cả phiên bản LiteSpeed Webserver Enterprise), đây là phần mềm webserver có thể xem là nhanh nhất hiện nay. Đó là lý do tại sao mà AZDIGI chỉ sử dụng LiteSpeed Webserver Enterprise cho các dịch vụ Hosting chất lượng cao của chúng tôi.

Nếu bạn sử dụng CyberPanel mà muốn sử dụng kèm LiteSpeed Webserver Enterprise thì bạn có thể mua gói bản quyền CyberPanel Bundle chỉ từ $11/tháng.

Một điểm cộng của CyberPanel đó là hỗ trợ cơ chế phân quyền người dùng để bạn có thể tạo ra nhiều tài khoản truy cập riêng cho từng website (giống như một tài khoản host riêng), và có hỗ trợ tài khoản reseller để người dùng tự tạo ra các gói host cho riêng mình.

Thêm một tính năng đặc sắc nữa đó là CyberPanel có hỗ trợ cả CloudLinux OS giúp tăng cường bảo mật giữa các tài khoản trên máy chủ, tránh trường hợp bị tấn công leo thang đặc quyền thông qua phương thức Local Attack. Không chỉ vậy, CloudLinux còn giúp mỗi tài khoản có thể sử dụng nhiều phiên bản PHP khác nhau cho các website nhờ vào công nghệ CageFS giúp mỗi tài khoản như một phân vùng ảo hóa riêng với các thiết lập riêng biệt.

Nhược điểm của CyberPanel đầu tiên đó là do sử dụng OpenLiteSpeed nên đôi lúc sẽ cần cấu hình lại một chút để có thể hoạt động tốt một website như WordPress chẳng hạn. Thứ hai là các thao tác không được “thông minh” cho lắm, ví dụ như khi thay đổi cấu hình .htaccess thì phải khởi động lại dịch vụ LiteSpeed. Cuối cùng đó là hay gặp lỗi lặt vặt khi cập nhật lên các phiên bản mới hơn.

Như vậy, CyberPanel sẽ phù hợp nếu như bạn cần một control panel miễn phí có hỗ trợ cơ chế phân quyền đa dạng để cấp phép cho nhiều người cùng truy cập vào làm việc, và muốn sử dụng OpenLiteSpeed một cách tốt nhất.

CWP (CentOS Web Panel) – 7 điểm

Nếu như bạn vẫn chưa thỏa mãn với các tính năng mà hai control panel miễn phí ở trên mang lại, thì bạn có thể thử sử dụng CWP. Ủa nếu vậy tại sao CWP ở đây chỉ được đánh giá có 7 điểm? Tất nhiên là cái gì cũng có nguyên nhân của nó và AZDIGI sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về CWP nhé.

CWP có thể nói là control panel “lão làng” nhất trong bài viết này vì bài viết hướng dẫn CWP tại thachpham.com đã được đăng vào năm 2014. Tính đến nay thì CWP đã được sử dụng rất rộng rãi, thậm chí có một số nhà cung cấp dịch vụ Web Hosting giá rẻ sử dụng CWP làm bảng điều khiển để khách hàng sử dụng.

Lý do để CWP được “thương mại” nhiều như vậy là nó hỗ trợ rất nhiều tính năng và các phần mềm bên thứ ba như các control panel trả phí như tích hợp được LiteSpeed Webserver Enterprise (không phải OpenLiteSpeed nhé), CloudLinux, Softaculous, Varnish Cache, FFMPEG, ShoutCast và hệ thống phân quyền người dùng rất mạnh mẽ.

Một điểm cộng của CWP đó là giúp bạn chuyển đổi kiểu webserver chỉ trong một cú nhấp chuột, bạn có thể chọn sử dụng NGINX Proxy + Apache + PHP, NGINX + PHP-FPM, NGINX + PHP-FPM + Varnish,…

Ngoài ra, CWP cũng có thể biến VPS của bạn không chỉ làm webserver, mà còn làm Email Server với các tính năng hỗ trợ email khá chuyên nghiệp, và cả DNS server.

Tuy nhiên, nhược điểm của CWP là khá nặng và hơi “cồng kềnh” vì sự đa dạng tính năng của nó. Và quan trọng hơn hết là các tính năng nổi bật mình kể ở trên của CWP đa phần là phải sử dụng phiên bản trả phí của nó thì mới có thể sử dụng được.

Nhưng nếu bạn không ngại bỏ qua một khoản nho nhỏ cho VPS của mình thì có thể sử dụng CWPPRO chỉ với $12/năm, và nếu bạn muốn website bạn chạy nhanh hơn thì có thể sử dụng phiên bản LiteSpeed Webserver Enterprise thêm với giá từ $10/tháng.

Đó là lý do tại sao mà ở trên mình có nói là nếu bạn chưa thỏa mãn với aaPanel hay CyberPanel thì có thể thử qua CWP, với điều kiện là trả phí để sử dụng CWPPRO nhé ?.

Lời kết

Thực ra thì danh sách các control panel miễn phí cho VPS Linux hiện tại rất nhiều kể cả mới lẫn cũ. Tuy nhiên trong bài này AZDIGI chỉ đề cập đến 3 lựa chọn control panel miễn phí phổ biến nhất hiện tại để bạn tham khảo, và mình nghĩ chỉ với 3 lựa chọn này thì cũng đã đủ cho nhu cầu miễn phí.

Đọc thêm:  So sánh VPS và Hosting: Nên lựa chọn Hosting hay VPS ?

0 ( 0 bình chọn )

【CÔNG TY SEO TOP ®】

https://seotop.com.vn
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ SEO TOP
- Địa chỉ: 09.03 Tầng 9 Khối A, Centana Thủ Thiêm 36 Mai Chí Thọ, P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh.
- MST: 0317841121 - Cấp Ngày: 18-05-2023
- Nơi Cấp: sở kế hoạch và đầu tư TP.Hồ Chí Minh
Bộ Công Thương DMCA.com Protection Status

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài đọc nhiều

Chủ đề

Bài viết mới gửi

Xem thêm